SÀI ĐẤT BA THÙY (Sphagneticola trilobata)-KHẢ NĂNG ỨC CHẾ TĂNG DÒNG TẾ BÀO BẠCH CẦU MẠN DÒNG TỦY MANG TỔ HỢP GEN GÂY UNG THƯ

Vừa qua Nhóm Nghiên cứu mạnh của Viện Phát triển ứng dụng ĐH Thủ Dầu Một vừa công bố kết quả nghiên cứu về tác dụng của cây Sài đất ba thuỳ (Sphagneticola trilobata) trong kháng hiệu quả tế bào ung thư bạch cầu trên tạp chí khoa học uy tín của thế giới SCI Q1, Tạp chí Plant.

Nghiên cứu được thực hiện bởi: TS Nguyễn Thị Liên Thương, TS Bùi Thị Kim Lý, TS Hoàng Thành Chí thuộc nhóm Nghiên cứu mạnh Viện Phát triển Ứng dụng Trường Đại học Thủ Dầu Một.  https://www.mdpi.com/2223-7747/10/5/980

Ung thư là một trong những căn bệnh phổ biến và nguy hiểm ở Việt Nam. Thống kê cho thấy có đến 14,5% người Việt có khả năng mắc bất kì loại ung thư nào trước tuổi 75, và Việt Nam là một trong những quốc gia phải chịu gánh nặng cho việc chữa trị ung thư cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê năm 2008, Việt Nam có số ca mắc ung thư máu mới cao nhất ở nữ giới và cao thứ 6 ở nam giới trong khu vực Đông Nam Á, đáng chú ý hơn là tỉ lệ ca tử vong ở nữ giới cũng cao nhất trong khu vực. Phương pháp điều trị hiện nay bao gồm sử dụng các loại thuốc nilotinib, dasatinib, bosutinib hay ponatinib tùy trường hợp hoặc ghép tủy nếu mang đột biến kháng mạnh như T315I rất tốn kém. Rất nhiều bệnh nhân nghèo tại Việt Nam không có điều kiện rất khó tiếp cận được. Vì vậy việc sử dụng các dược chất tự nhiên sẵn có tại Việt Nam có tính kháng ung thư để nghiên cứu được chúng tôi chú trọng mạnh trong đó có đối tượng Sài đất ba thùy (SDBT).

Sài đất ba thùy (SDBT), tên khoa học là Sphagneticola trilobata (L.) Pruski. Thuộc họ Cúc, có tên đồng danh khoa học khác là Wedelia trilobata (L.) Hitchc. Đây là loài cây phân bố rộng ở Nam Mỹ, Trung Mỹ, Mexico và Tây Ấn. Ngoài ra, nó còn được tìm thấy ở Bangladesh, India, China, Malaysia, Indonesia, Vietnam, Cambodia và Myanmar. Tại Việt Nam, S. trilobata được gọi là Sài đất ba thùy, sài đất kiểng, sơn cúc ba thùy hoặc cúc xuyến chi. SDBT mọc hoang dại ở khắp mọi nơi, trên mọi địa hình và được trồng như một loại cây kiểng công trình tại Việt Nam.

Ảnh: Internet

Các nghiên cứu trước đây cho thấy dịch chiết methanol từ hoa của SDBT có hoạt tính kháng oxi hóa rất tốt. Dịch chiết nước cũng cho thấy có tác dụng hạ đường huyết và điều trị đái tháo đường. Hoạt động ức chế thần kinh trung ương được nghiên cứu ở lá của SDBT. Ở Venezuela, hiệu quả của acid kaurenic được chiết xuất từ SDBT chống lại Leishmania (Viannia) braziliensis (ký sinh trùng gây bệnh ở da và niêm mạc mà trung gian truyền bệnh là Phlebotomus – một loại muỗi cát rất nhỏ). Dịch chiết methanol từ rễ, thân, lá và hoa của SDBT có tính kháng vi khuẩn rất mạnh đối với các chủng Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus và Salmonella typhi.

Trong nghiên cứu này chúng tôi nghiên cứu sự ảnh hưởng của chiết xuất từ cây Sài đất ba thùy (Sphagneticola trilobata (L.) Pruski (Asteraceae)) đối với sự phát triển của các tế bào máu dòng bạch cầu mãn tính có mang tổ hợp gen BCR-ABL gây ung thư. Đồng thời nghiên cứu cũng làm rõ cơ chế tác động ở mức phân tử của Sài đất ba thùy lên các tế bào này. Để thực hiện điều đó chúng tôi sử dụng các tế bào chứa các tổ hợp gen BCR/ABL khác nhau, gồm có – kiểu thường(-WT), kiểu kháng imatinib (như tế bào K562 và TCCYT315I), hoặc các tế bào Ba/F3 được chuyển gen BCR / ABL kiểu thường hoặc đột biến. Kết quả cho thấy Sài đất ba thùy ức chế hiệu quả khả năng sinh trưởng của các tế bào bệnh bạch cầu theo nồng độ và thời gian xử lý. Đặc biệt, tác động của Sài đất ba thùy thể hiện sự nhạy cảm hơn ở các tế bào mang BCR/ABL kháng imatinib (đặc biệt là đột biến T315I BCR/ABL) so với những tế bào có BCR/AB -WT. Hơn nữa, chúng tôi đã chứng minh rằng sự chết tế bào gây ra bởi Sài đất ba thùy là chết theo quy trình apoptosis và việc xử lý bằng Sài đất ba thùy có thể ngăn chặn sự biểu hiện của protein BCR/ABL, sau đó làm thay đổi sự biểu hiện của các protein chủ chốt nằm trên con đường dẫn truyền tín hiệu của BCR/ABL như tín hiệu AKT và MAPK. Kết luận, Sài đất ba thùy có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào bệnh bạch cầu chứa BCR/ABL. Cơ chế tác dụng chống bệnh bạch cầu của SDBT đối với các tế bào chứa đột biến BCR/ABL kháng imatinib có thể là do sự gián đoạn của dòng tín hiệu của protein gây ung thư BCR/ABL.

Sự thành công của nghiên cứu này là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo nhằm tạo ra một giải pháp điều trị Ung thư nói chung và ung thư bạch cầu nói riêng. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng khẳng định giá trị và tiềm năng của các loại cây dược liệu bản địa của Việt Nam.

Nguồn: TS Bùi Thị Kim Lý

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *